Đường hàng không Vận chuyển động vật

Quy chuẩn

Vận chuyển voi bằng đường hàng không

Động vật cũng được vận chuyển bằng đường hàng không. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), việc vận chuyển động vật bằng đường hàng không đã bắt đầu từ những năm 1930 và đến nay vẫn được coi là phương thức vận chuyển đường dài nhân đạo nhất và thích hợp nhất. Việc vận chuyển động vật sống bằng máy bay, theo thời gian, được chuẩn hóa bằng những quy định cụ thể kèm theo. Các quy định về động vật sống (LAR) của IATA được coi là tiêu chuẩn toàn cầu về vận chuyển động vật sống bằng các chuyến bay thương mại. Cho dù đó là thú cưng, động vật được vận chuyển cho các vườn thú, phục vụ nông nghiệp hay bất cứ lý do nào khác, mục tiêu của LAR là để đảm bảo tất cả thú vật được vận chuyển an toàn và nhân đạo bằng đường không.

Đối với đường hàng không, hiện tại các chặng bay nội địa Việt Nam chỉ có Vietnam Airlines chấp nhận vận chuyển thú cưng. Còn các tuyến quốc tế thì tùy hành trình (điểm đến có chấp nhận không) và tùy hãng. Hãng American Airlines không nhận mèo trong hành trình hơn 12 tiếng. Hãng United Airlines bắt buộc hành khách phải gửi mèo riêng, không cho đi chung với chủ.Hãng Vietnam Airlines đồng ý vận chuyển mèo đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Los Angeles (Mỹ). Sang đến Mỹ thì có Hãng Frontier Airlines vận chuyển chó, mèo từ Los Angeles đến Branson. khi vận chuyển bằng đường hàng không, chủ vật nuôi phải cung cấp giấy chứng nhận chích ngừa văcxin, giấy chứng nhận sức khỏe được cấp trong vòng 10 ngày trước chuyến bay (thú cưng có sức khỏe kém hay đang mang thai sẽ bị từ chối vận chuyển)

Tông thường, việc chấp nhận và phục vụ động vật sống của các hãng máy bay đều tuân thủ theo đúng Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Quy định vận chuyển động vật sống của IATA (LAR) và Quy định vận chuyển động vật sống của từng hãng. Động vật sống được chia thành năm loại khác nhau và mỗi loại sẽ có các điều kiện chấp nhận khác nhau như: Các phân nhóm động vật sống, Điều kiện chấp nhận động vật sống, Đóng gói, Dán nhãn và đánh dấu. Để đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu và quy định có liên quan thì khách hàng cần xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch cho động vật sống.

Các loài động vật, sản phẩm động vật thuộc nhóm I, II, III trong danh mục của CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động, thực vật Hoang dã nguy cấp) vận chuyển trên các chuyến bay quốc tế phải có giấy phép CITES đi kèm. Động vật không phải là gia súc gia cầm (thường là động vật hoang dã bị bắt hoặc nuôi trong các trại đặc biệt) vận chuyển trên các chuyến bay nội địa phải có giấy phép vận chuyển nội địa do Chi cục kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Ngoài việc hoàn thành Hướng dẫn của người gửi hàng (SLI), Người gửi hoặc đại lý phải cung cấp 2 bản Tờ khai gửi hàng động vật sống với đầy đủ các thông tin theo yêu cầu và có chữ ký xác nhận, ngoại trừ hàng thuỷ hải sản sống.

Phản đối

Các thành viên của tổ chức PETA đang phản đối

Một số tổ chức bảo vệ động vật lên án mạnh mẽ các hãng hàng không chở động vật sống cho các phòng thí nghiệm, nhiều năm qua các nhà hoạt động bảo vệ động vật đã có các chiến dịch kêu gọi các hãng hàng không ngưng việc vận chuyển động vật họ linh trưởng cho các phòng thí nghiệm. Theo Hội Chống giải phẫu sống động vật New English có trụ sở tại Mỹ (NEAVS) và Hội Những người ủng hộ đối xử đạo đức với động vật (PETA), đến nay nhiều hãng hàng không lớn đã từ chối vận chuyển linh trưởng cho các phòng thí nghiệm.

Nhưng việc này đã ảnh hưởng đến các phòng thí nghiệm và nhiều hãng hàng không lớn đứng trước sức ép phải ngưng vận chuyển động vật linh trưởng. Do vậy nhiều nhà khoa học đã đành phải nghĩ đến chuyện chuyển hoạt động sang các nước khác nhưng có rất ít quốc gia, ngoài châu Âu và Mỹ, có phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất tốt. Một số thành viên của Tổ chức bảo vệ động vật Anh (BUAV) và Tổ chức chống bạo hành động vật (PETA) đã tổ chức phong trào phản đối các hãng hàng không có tham gia chuyên chở linh trưởng đến châu Âu cho mục đích thí nghiệm (Air France, China Southern Airlines, Philippines Airlines, Vietnam Airlines).

Trong đó có những lần BUAV và PETA tổ chức biểu tình phản đối trước văn phòng Vietnam Airlines tại Anh và Pháp. Năm 2013, Vietnam Airlines không vận chuyển trực tiếp khỉ sống tới Anh mà chỉ vận chuyển một số lô hàng khỉ sống từ Việt Nam tới Đức và Pháp, rồi một số lô được tiếp chuyển sang Anh trên hãng khác. Các lô hàng này khi vận chuyển đều tuân thủ các quy định quốc tế và các thủ tục, yêu cầu chặt chẽ khác của Việt Nam cũng như của nước sở tại. Dù việc vận chuyển động vật sống của hãng luôn tuân thủ các quy định quốc tế, nhưng Vietnam Airlines sẽ từ chối vận chuyển linh trưởng cho mục đích thí nghiệm.